KỲ KHANG - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

LỊCH SỬ, VĂN HÓA

 

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

            1. Đặc điểm địa lý và tự nhiên

            Xã Kỳ Khang có vị trí địa lý rất thuận lợi: Có biển, có đồng bằng và trung du đồi núi; với diện tích tự nhiên 26,30 km2, diện tích đất canh tác 705 ha([1]), dân số 3.429 hộ, 12.693 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Phía Bắc giáp xã Kỳ Phú, Đông Bắc giáp biển, Đông Nam giáp xã Kỳ Ninh, phía Nam giáp xã Kỳ Thọ, phía Tây giáp xã Kỳ Đồng.

 

Tuyến đường Quốc lộ 1A qua địa bàn xã dài khoảng 2km (nối từ cầu Đá, giáp xã Kỳ Đồng, đến đèo Cà Cưỡng giáp xã Kỳ Thọ); đường liên xã dài trên 5,6km (nối từ đường quốc lộ 1A ra biển); đường Phong- Khang dài trên 15 km từ xã Kỳ Khang đi qua địa bàn các xã (Kỳ Phú, Kỳ Giang, Kỳ Tiến, Kỳ Bắc, Kỳ Phong). Có bờ biển dài gần 4km, từ xóm Phú Lợi (xã Kỳ Phú) đến chân núi Bàn Độ xóm Bàn Hải (xã Kỳ Ninh). Hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược trong thời kỳ chiến tranh trước đây cũng như trong phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Sông Kinh Hạ đào từ thế kỷ XV, thường gọi là sông Kinh, sau nay gọi là sông nhà Lê. Đây là con sông đào nối sông Rác (Cẩm Xuyên) với Cửa Khẩu (Kỳ Ninh). Sông dài khoảng 35 km, rộng trung bình từ 20-25 m, bắt nguồn từ xã Cẩm Lạc huyện Cẩm Xuyên, đi qua các xã Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Thọ, đến Cửa Khẩu (Kỳ Ninh). Từ năm 1945 về trước, hệ thống đường sá và phương tiện giao thông không tiện lợi như bây giờ (chủ yếu đi bộ, vận chuyển bằng quang, gánh trên vai), vì thế sông Kinh Hạ trở thành nơi vận chuyển, giao thương buôn bán quan trọng giữa các vùng.     

            Địa bàn xã có núi Bàn Độ, có độ cao 441 m so với mực nước biển, còn có tên gọi là rú Ba Đọ hay Rú Đọ ở làng Đậu Xá, trên núi có đầm, tương truyền ngày xưa tiên nữ xuống tắm ở đầm ấy, nên gọi là đầm Tiên. Ngày trước trên núi cây cối rậm rạp, nhiều gỗ và thú rừng quý hiếm. Sách xưa chép: "Dãy Bàn Độ hươu sao từng đàn. Hổ, gấu, lợn rừng, sói và voi thì khắp vùng đều có". Do có núi Bàn Độ vươn ra biển, nên bờ biển của xã chỉ là dãi cát hẹp. Mực nước biển bên trong vòng 0,1 km trở vào có độ sâu chừng 7-9m, được đánh giá có độ sâu hơn một số xã khác. Biển có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: cá chim, cá thu, cá bù, cá ngứa, tôm sú, tôm hùm, mực… Trên bãi biển có nhiều khoáng sản quý như: ti tan, ê mê nhít, trên núi chứa nhiều đá granit.

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè ở Kỳ Khang kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, mùa này thường có gió Lào thổi mạnh, khô nóng, nhiệt độ trung bình 300C-380C. Từ tháng 8 đến tháng 10 thường có mưa to, gây lũ lụt, lượng mưa trung bình 2.800-3.000 mm/năm, có nhiều năm lên đến 4.000 mm; mùa này thường xảy ra các trận bão, kèm mưa lớn, triều cường. Từ tháng 01 đến tháng 3 còn có gió mùa Đông Nam (gió nồm) từ biển thổi vào, đem nhiều hơi nước, làm cho không khí trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn. Hạn hán và mưa bão gây thiệt hại về mùa màng, tài sản và tính mạng của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đặc điểm của mùa này là gió mùa Đông Bắc đem theo mưa phùn, gây ẩm ướt và lạnh, nhiệt độ trung bình 200C, có khi xuống 110C, gây rét đậm, rét hại, làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân, vụ xuân, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

            2. Quá trình hình thành và thay đổi tên gọi

Từ năm 1836 về trước, Kỳ Khang thuộc huyện Kỳ Hoa, năm 1841 vua Thiệu Trị đổi huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh. Huyện Kỳ Anh lúc thành lập có 2 tổng (tổng Cấp Dẫn và tổng Đậu Chữ), 87 làng. Trước tháng 8 năm 1945 xã Kỳ Khang thuộc tổng Đậu Chữ([2]), có các làng: Đậu Xá, Đông Hải, Đông Quan, Đồng Trụ, Phú Duyệt, Quảng Ích, Trảo Nha, Trung Giáp, Vĩnh Ái; một số làng đó thuộc xã Án Đỗ (bao gồm một số làng của các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang và Kỳ Ninh). Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bỏ chính quyền, cấp tổng, tháng 4/1946, các thôn: Đậu Xá (nay là Đậu Giang), Đông Hải (nay là Sơn Hải), Đông Quan (nay là Đồng Tiến), Đồng Trụ (nay thuộc xã Kỳ Đồng), Phú Duyệt (nay là Phú Thượng), Quảng Ích, Trảo Nha (nay là Tiến Thành), Trung Giáp (nay là Trung Tân và Trung Tiến), Vĩnh Ái (nay là Vĩnh Long và Vĩnh Phú) được sáp nhập lại để thành lập xã Đậu Khang (nay là Kỳ Khang). Dân số toàn xã lúc này là 2.200 người, trong đó có hơn 250 người là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Năm 1950, thực hiện chỉ đạo của huyện thành lập xã có quy mô lớn, xã Đậu Khang sáp nhập với xã Đậu Phú thành xã Thành Kỳ. Cuối năm 1954 xã Thành Kỳ chia làm 2 xã: Kỳ Khang (toàn bộ diện tích và sân số của xã Đậu Khang trước đây) và Kỳ Phú (xã Đậu Phú cũ). Ngày 8/9/1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 105 về việc thành lập xã Kỳ Đồng. Theo đó, ngày 7/11/1986 Hợp tác xã Đồng Trụ xã Kỳ Khang chuyển về xã Kỳ Đồng để thành lập xã Kỳ Đồng. Ngày 10/4/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh. Sau khi chia tách xã Kỳ Khang thuộc huyện Kỳ Anh. Từ năm 1995 đến nay xã Kỳ Khang có 11 thôn như sau:

* Thôn Hoàng Dụ

 Từ năm 1945 thuộc làng Quảng Ích, chủ yếu đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, nằm ở phía đông Quốc lộ 1A, trải dài hơn 1 km. Năm 1946 làng Quảng Ích sáp nhập với làng Hoàng Dụ, lấy tên gọi là làng Quảng Dụ. Năm 1976, thành lập hợp tác xã nông nghiệp quy mô lớn, Hợp tác xã Quảng Dụ sáp nhập với Hợp tác xã Tiến Thành. Từ đây dân cư được phân bố lại, có các hộ dân từ các thôn Vĩnh Long, Vĩnh Phú, Đồng Tiến và các hộ dân di cư từ nơi khác đến (nhiều hộ là người lương), do đó Quảng Dụ có cả đồng bào lương và giáo. Năm 1994 giải thể các hợp tác xã nông nghiệp, chuyển về quản lý bằng hình thức thôn, thôn Quảng Dụ được tái thành lập. Do dân số đông, năm 2005 thôn Quảng Dụ được chia thành hai thôn: Quảng Ích và Hoàng Dụ. Thôn Hoàng Dụ có diện tích tự nhiên 191 ha, diện tích canh tác 38,4 ha; có 294 hộ, 1.209 khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019), trong đó 268 hộ, 1.055 khẩu là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Bà con giáo dân sinh hoạt tại giáo xứ Dụ Thành, nhà thờ giáo xứ được xây dựng từ năm 1990, có 80% dân số sản xuất nông nghiệp, 20% ngành nghề và dịch vụ khác.

* Thôn Quảng Ích

Nằm ở phía tây của xã Kỳ Khang, năm 2005 được tách ra từ thôn Quảng Dụ, có 338 hộ, gần 1.169 khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Trong đó có 141 hộ, 496 khẩu là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Nơi đây vào 10 giờ ngày 12 tháng 07 năm 1966 máy bay của Đế quốc Mỹ ném 24 quả bom xuống nhà thờ xứ bốc ngôi mộ của Cha, tiếp đến 8 giờ sáng ngày 18 tháng 07 năm 1966 máy bay Mỹ tiếp tục ném bom xuống phía Đông xóm Quảng Dụ làm chết 17 người, bị thương 2 người, trong một buổi sáng 50 ngôi nhà dân bị sập, mảnh đất vùng Cầu Đá, Cầu Cà bị cày đi xới lại nhiều lần vì bom đạn của Đế quốc Mỹ. Thôn có đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn dài gần 2km và đường điện 500kw; có đập thủy lợi khe cà và kênh mương N1 (đập thủy lợi sông Rác) đủ nước tưới cho 61ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Mặt khác nằm bên sườn núi khe cà có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và trồng cây nguyên liệu. Hơn 80% nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, gần 20% làm nghề dịch vụ buôn bán. Hiện nay có 92 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, 80 lao đông làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước. Có Nhà thờ công giáo (họ Vĩnh Sơn) tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh hoạt giáo hội, Chi bộ thôn có 19 đảng viên. Năm 2014 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

 

Thôn Phú Thượng

 Từ tháng 8 năm 1945 gọi là làng Phú Duyệt, có diện tích tự nhiên 150 ha, trong đó 60 ha đất sản xuất nông nghiệp, 8 ha sản xuất rau màu, 45 ha đất trồng rừng, 13 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản. Dân số hiện nay 296 hộ, 1.026 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019), trong đó có 30 hộ, 59 khẩu là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Chi bộ có 19 đảng viên. Hai dòng họ lớn nhất, cư trú lâu nhất là họ Dương (nhà thờ xây dựng năm 1990) và họ Nguyễn (xây dựng năm 1985). Năm 1984 có 17 hộ trong thôn đi xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Gia Lai và Đắc Lắk. Năm 1964 thôn Phú Duyệt được đổi thành thôn Phú Thượng và cũng giai đoạn này có 17 hộ dân xã Thạch Thượng (nay là thị trấn Thạch Hà) huyện Thạch Hà vào đây sinh sống. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân trong thôn là trồng trọt, chăn nuôi và xuất khẩu lao động (hiện tại thôn có 130 người đang lao động ở nước ngoài, 70 người đi lao động các tỉnh, thành phố trong nước). Địa bàn thôn có núi Bàn Độ; 2 đền chùa; Điện Thành Hoàng (thờ ngài Thành hoàng bản xứ) và Điện Quan Tiên (thờ Đức Tiên Ông). Năm 1998 được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa.

* Thôn Đậu Giang

Trước đây có tên gọi là làng Đậu Xá, năm 1960 khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp được gọi là Đậu Giang. Thời kỳ giải thể các hợp tác xã nhỏ để thành lập hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn, Đậu Giang sáp nhập vào Hợp tác xã Long Tiến. Năm 1994, khi giải thể các hợp tác xã nông nghiệp, Đậu Giang được tách ra thành một thôn. Diện tích tự nhiên của thôn là 53 ha, có 38 ha đất sản xuất lúa 2 vụ; 4 ha đất sản xuất một vụ lúa, một vụ màu. Dân số 162 hộ với 648 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019), 310 lao động, 100% hộ dân là đồng bào theo đạo Thiên chúa, sinh hoạt tại nhà thờ giáo họ Kim Sơn. Chi bộ Đậu Giang có 8 đảng viên. Từ trước đến nay Nhân dân trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số hộ làm dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ lẻ. Hiện nay có 70 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, 65 lao động đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trong nước. Năm 2015 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

* Thôn Vĩnh Long

 Trước đây có tên gọi là làng Hồ Ái, sau đổi tên là làng Vĩnh Ái, nằm bên sông nhà Lê, dưới chân núi Bàn Độ. Thôn Vĩnh Long được hình thành trên cơ sở tách ra từ Hợp tác xã Long Giang. Diện tích tự nhiên 151 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 48 ha, dân số có 256 hộ với 874 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Chi bộ Vĩnh Long có 13 đảng viên. Nghề nghiệp chính của người dân trong thôn từ trước đến nay là sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thôn có 105 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, 120 người lao động tại các tỉnh, thành phố trong nước. Địa bàn thôn có chùa Am, chùa Ải Linh, miếu Thần Nông, ao làng và đình Đậu Chữ. Người dân trong thôn mang các dòng họ: Nguyễn Tiến, họ Phan, họ Hồ, họ Trịnh, họ Nguyễn Khắc; trong đó họ Nguyễn Tiến và họ Phan có con cháu đông nhất và xây dựng nhà thờ họ sớm nhất. Năm 2017 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

* Thôn Vĩnh Phú

Có diện tích tự nhiên 84,73 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa 55,5 ha; dân số có 203 hộ với 727 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Chi bộ Vĩnh Phú có 9 đảng viên. Nghề nghiệp của Nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Do nằm cạnh sông nhà Lê nên địa bàn thôn thường bị ngập úng và nhiễm mặn, gây khó khăn cho sản xuất. Thôn nằm trên trục đường xã nên thuận tiện giao thông. Hiện có 114 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, 112 người đi lao động các tỉnh, thành phố. Đây là thôn có lịch sử lâu đời, cách đây gần 450 năm. Ban đầu có tên là làng Hồ Ải, sau được gọi là làng Vĩnh Ái, nằm bên dòng sông Vịnh. Trước đây có Đình tổng Đậu Chữ (nay là địa điểm nhà văn hoá thôn), có chùa Ải Linh (nay là cụm Trường Mầm non Vĩnh Phú). Đình và chùa từ tháng 8/1945 đến nay không còn; có giếng làng đào từ năm 1810, năm 1979 bị hoang phế, đến năm 2007 được Nhân dân khôi phục. Từ năm 1991 về trước có tên gọi là

 

Hợp tác xã Long Tiến, sau đó sáp nhập thêm một phần diện tích và dân số của Hợp tác xã Long Giang, lấy tên gọi là thôn Vĩnh Phú từ đó đến nay. Nơi đây có các dòng họ cư là họ Nguyễn, họ Trịnh, họ Thiều, họ Hoàng. Họ Nguyễn Đình có số hộ và con cháu đông nhất, đây cũng là họ có nhà thờ được xây dựng từ năm 1950.  Năm 2016 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

* Thôn Đồng Tiến

Vào thế kỷ thứ XVII, có hai gia đình họ Thiều và họ Hoàng đến sinh cơ, lập nghiệp. “Đất lành chim đậu”, người dân đến ở tăng dần, nhưng nơi đây vẫn không có tên làng, chỉ là một bộ phận của làng Đông Hải. Năm 1942 được đặt tên là xóm Đông Quan thuộc làng Đông Hải. Tháng 9/1945 đổi thành xóm Đồng Lạc. Sau cải cách ruộng đất năm 1955, chia thành hai tổ (Đồng Văn và Đồng Tân), năm 1959 hai tổ sáp nhập lại thành Hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp Tân Văn. Năm 1964 Hợp tác xã Tân Văn sáp nhập với Hợp tác xã Đồng Trụ thành Hợp tác xã Đồng Tiến. Năm 1979 Đồng Trụ Đồng Tiến di dời về đồi Ba Cụp. Năm 1980 Đồng Tiến sáp nhập với Long Giang, Quảng Dụ thành Hợp tác xã Long Tiến. Năm 1987 Huyện uỷ chỉ đạo chuyển Chi bộ Long Tiến Thành, thành Đảng bộ bộ phận. Năm 1990 giải thể Hợp tác xã Long Tiến Thành, thành lập 3 hợp tác xã: Đồng Tiến, Long Giang, Quảng Dụ. Năm 1996 giải thể các hợp tác xã để thành lập các thôn, Hợp tác xã Đồng Tiến thành thôn Đồng Tiến. Diện tích tự nhiên thôn Đồng Tiến là 103 ha, diện tích sản xuất nông nghiệp 70 ha; dân số 289 hộ, 1.078 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Chi bộ có 25 đảng viên. Nghề nghiệp chính của người dân trong thôn từ trước đến nay là sản xuất nông nghiệp và có khoảng 20% làm nghề thương mại, dịch vụ. Hiện nay thôn có 110 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, 90 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước. Họ Hoàng và họ Thiều là hai dòng họ cư trú lâu nhất tại thôn, cũng là hai dòng họ có số người nhiều nhất trong thôn. Địa bàn thôn có điện thờ Quan thái giám tại rú Điện Thờ([3]). Thôn Đồng Tiến là trung tâm hành chính xã Kỳ Khang và nơi đây nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú cho đất nước và quê hương, có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (các bà: Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Thị Phơn, Thiều Thị Kiềm), các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện như: đồng chí Thiều Y, đồng chí Nguyễn Ký, đồng chí Thiều Đình Duy, đồng chí Nguyễn Tiếu; Tiến sỹ khoa học Trần Văn Quế…Năm 2012 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

* Thôn Sơn Hải

 Trước đây gọi là làng Đông Hải. Hợp tác xã Sơn Hải được thành lập năm 1963, năm 1965 hợp nhất Hợp tác xã Sơn Hải với Hợp tác xã Tân Tiến Thành thành Hợp tác xã Hải Thành. Năm 1994 khi giải thể các Hợp tác xã nông nghiệp, diện tích và dân số của Hợp tác xã Hải Thành được chia thành hai thôn: Tiến Thành và Sơn Hải. Thôn Sơn Hải có vị trí giao thông thuận lợi, diện tích trồng trọt là 73 ha, có 428 hộ, 1.400 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Từ năm 1982 có 25 hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Gia Lai. Chi bộ có 32 đảng viên. Nghề nghiệp chính của người dân trong thôn từ trước đến nay là sản xuất nông nghiệp, một số hộ buôn bán, kinh doanh. Hiện nay có 150 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và gần 250 người đi lao động tại các tỉnh, thành phố trong nước. Địa bàn thôn có đền Giếng Tiên, đền được xây dựng năm 1886; đền thờ Thành Hoàng, chủ vị là Đại vương tôn thần. Năm 1961 đền được sử dụng làm trường học, nơi bái đường của đền từng được dùng để cất dấu vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ, đền bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thôn còn có Giếng Tiên, nơi đây có hòn đá in hình giống dấu chân người, người dân gọi là dấu chân tiên. Thôn có các dòng họ: họ Nguyễn, họ Bùi, họ Thiều…, trong đó hai dòng họ lớn nhất là họ Nguyễn Đường và họ Nguyễn Lưu. Năm 2010 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

 

* Thôn Tiến Thành

 Được tách ra từ Hợp tác xã Hải Thành vào năm 1994. Diện tích tự nhiên 165 ha, diện tích sản xuất lúa hai vụ 60 ha, đất trồng cây phòng hộ 30 ha; dân số 250 hộ, 830 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Chi bộ có 25 đảng viên. Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp (có 268 hộ làm nông nghiệp, 18 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ. Hiện có 82 người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, 125 lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước. Các dòng họ chủ yếu của người dân trong thôn là: họ Hồ, họ Hoàng, họ Tô, họ Nguyễn, họ Đào… Địa bàn thôn có đền Thành Hoàng, đền Cồn Chỏi (được Nhân dân đóng góp tôn tạo lại năm 2011), trước đây còn có chùa Đông Hải, nhưng nay không còn. Năm 2006 được UBND huyện công nhận làng văn hóa.

* Thôn Trung Tiến và thôn Trung Tân

Làng Trung Giáp ở vào vị trí “sơn thủy hữu tình”, trước mặt là Biển Đông, sau lưng có núi Bàn Độ, năm 1930 lần đầu tiên lá cờ Búa liềm (cờ Đảng) phấp phới tung bay trên đỉnh núi, báo hiệu sự có mặt của tổ chức Đảng Cộng sản. Đây là làng duy nhất trong xã đến nay còn có Đình làng và giếng làng. Giếng làng được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, hiện đang làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh; có đền thờ Cửa Rú linh thiêng (nằm ở mũi đá lớn, giáp với xã Kỳ Ninh), đền thờ Đức Bà, đền Mới. Năm 1951 giặc Pháp đổ bộ vào làng Trung Giáp, nhưng do ta chủ động phòng tránh trước nên không gây thiệt hại về người, chúng đốt nhà ở của Nhân dân, cướp bóc lương thực, bắt gà, lợn. Địa bàn thôn có các dòng họ: họ

 

Đặng, họ Nguyễn, họ Lê, họ Trương, họ Võ, họ Phạm, họ Trần, họ Thiều. Tháng 6 năm 2015 Nhà thờ họ Nguyễn Trinh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là thôn sinh thành, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cho đất nước và quê hương. Năm 1984 hàng trăm hộ dân của làng Trung Giáp đi vùng kinh tế mới tại các tỉnh, Gia Lai, Kon tum, Đắk lắk. Năm 1989 xí nghiệp Ti tan Kỳ Anh (thuộc tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh) khai thác khoáng sản trên địa bàn, để tạo điều kiện cho xí nghiệp khai thác, năm 2001 hàng trăm hộ dân phải di dời. Sau di dời xí nghiệp hoàn trả lại mặt bằng để xây dựng khu tái định cư. Năm 1989 Đồn biên phòng 110 (nay là đồn Kỳ Khang) được chuyển từ Kỳ Ninh về đóng dưới chân núi Bàn độ thuộc thôn Trung Tiến).Năm 1993 khi thực hiện giải thể hợp tác xã, Trung Giáp được chia thành hai thôn: Trung Tân và Trung Tiến; hiện nay thôn Trung Tân có 390 hộ, 1.352 nhân khẩu (theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), có 19 đảng viên, nghề nghiệp chính là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xuất khẩu lao động, hiện có trên 300 người đang xuất khẩu lao động nước ngoài; năm 2012 được UBND huyện công nhận làng văn hóa. Thôn Trung Tiến có 494 hộ, 1.736 nhân khẩu (theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019), hiện có 350 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài (đây là thôn có số người đi xuất khẩu nhiều nhất xã), chi bộ có  20 đảng viên. Năm 2013 thôn được UBND huyện công nhận Làng văn hoá.

* Làng Đồng Trụ

 Trước đây thuộc xã Kỳ Khang, từ tháng 8 năm 1986 đến nay thuộc xã Kỳ Đồng, đầu tiên có tên gọi là làng Đồng Chọ. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII một số cư dân thuộc dòng họ Trần ở làng Vọng Liễu (xã Kỳ Lâm) di cư đến đây sinh sống dưới chân núi Hương (nay là xóm Đồng Trụ Đông), sau đó họ chuyển dần đến ở các gò đất cao ven sông Nhà Lê do dễ làm ăn, đặt tên mới cho làng là Đồng Trụ (ý nghĩa là cột trụ đồng). Trước cách mạng Tháng 8, làng Đồng Trụ thuộc tổng Đậu Chữ, sau cách mạng thuộc xã Đậu Khang. Năm 1979, theo chủ trương của cấp trên vận động Nhân dân khai khẩn các vùng đất ven đồi, mở rộng diện tích canh tác. Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Kỳ Khang đã huy động hàng ngàn ngày công giúp đỡ 80 hộ dân ở làng Đồng Trụ đã vượt sông sang ven đồi lập nghiệp, vẫn lấy tên gọi là làng Đồng Trụ.

         3. Đặc điểm dân cư

Các vùng dân cư được phân bố trên diện tích 15 km2, làng nọ cách làng kia từ 1 đến 3 km. Tháng 4/1946 dân số toàn xã là 2.200 người, đến năm 1985 có 6.618 người, trong đó đồng bào theo đạo Thiên chúa có 1.215 người, chiếm 18,4% dân số toàn xã. Từ trước đến nay đồng bào lương giáo đều đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Dân cư làng xóm nơi đây được hình thành vào cuối thế kỷ XVI và định hình vào thế kỷ XIX. Thành phần dân cư từ nhiều vùng khác nhau di cư đến, phần đông họ là những người nghèo khổ, phiêu bạt đến đây sinh cơ lập nghiệp. Lúc đầu dân cư còn rất ít, chỉ khoảng vài trăm gia đình. Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ nửa sau thế kỷ XX, các xóm làng được bổ sung thêm dân cư đến đây xây dựng vùng kinh tế mới, làm cho dân cư, làng xóm phong phú hơn.

Theo gia phả các dòng họ thì những dòng họ có từ lâu đời tại xã là: họ Nguyễn, họ Thiều, họ Phan, họ Phạm, họ Đặng, họ Tô, họ Trần, họ Trương, họ Hồ… Mỗi dòng họ được xây dựng một nhà thờ họ. Trước đây những dòng họ nhỏ, ít người không làm được nhà thờ riêng thì các ngày lễ như: rằm tháng giêng, rằm tháng bảy âm lịch, ngày giỗ tổ… cúng tại nhà tộc trưởng. Sau này, khi đời sống Nhân dân được nâng lên, nhiều dòng họ đã huy động con cháu đóng góp xây dựng nhà thờ họ khang trang. Sự gìn giữ, tôn tạo nhà thờ họ qua các thời kỳ lịch sử thể hiện truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân nơi đây nói riêng. “Cây có cội, nước có nguồn”, từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng họ đã xây đắp nên tình yêu quê hương, đất nước của dân tộc ta.

  4. Đặc điểm chính trị - kinh tế xã hội thời kỳ đô hộ của thực dân phong kiến trước tháng 8 năm 1945

Trước cách mạng tháng Tám ở cấp Đậu Chữ, làng là đơn vị hành chính cơ sở: Bộ máy hành chính có các chức sắc như: Lý trưởng, Hội đồng hào mục, các dịch mục của làng. Mỗi làng đều có triện bạ và sổ đinh riêng. Sang thời pháp thuộc còn đặt tên chức Bang đoàn phu. Bộ máy hành chính này tồn tại đến khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Kèm theo thiết chế ở làng xóm là “Hương ước”. Hương ước là “Bộ luật” thể hiện tính chất tự trị của làng xã, tồn tại song song với pháp luật Nhà nước. Thời phong kiến nước xử theo phép nước, làng xử theo lệ làng. Luật nước, lệ làng hòa đồng. Vì thế, Hương ước đã góp phần duy trì được thuần phong mỹ tục, khuyến khích sản xuất, bảo vệ mùa màng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Thời xưa, hương ước ở các làng chỉ truyền miệng, về sau mới có văn bản rõ ràng. Hằng năm, vào dịp lễ thành Hoàng đầu xuân, toàn văn hương ước được đọc lại cho mọi người nghe để cùng nhau thực hiện, nếu không thực hiện sẽ bị trừng phạt.

Đời sống của Nhân dân Kỳ Khang trước năm 1960 chủ yếu sống bằng nông nghiệp, có hai thôn vừa đánh bắt hải sản vừa trồng trọt. Lúc bấy giờ hệ thống thủy lợi tại địa bàn xã hầu như không có gì, gieo cấy lúa phải phụ thuộc vào thời tiết tự nhiên. Đã vậy Kỳ Khang thuộc vùng đất đai kém màu mỡ, một số vùng nhiễm mặn rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa. Phân bón vô cơ không có, kỹ thuật canh tác lạc hậu, sử dụng các giống lúa địa phương như: lúa chiêm, lúa lốc, lúa cằm, lúa "hai hom"… và gieo (vại) khô (gieo lúa trên đất cày bừa khô, không có nước như hiện nay) vì thế năng suất lúa rất thấp ( giai đoạn 1930-1941 chỉ đạt từ 350-400 kg/ha/năm, tương đương 17,5-20 kg/sào). Lúa lốc tuy năng suất thấp, gạo cứng, ăn không ngon, nhưng chỉ có giống lúa này mới chịu được hạn hán, do đó Nhân dân sử dụng nhiều giống lúa này([4]). Công cụ sản xuất chủ yếu là cày chìa vôi, cuốc, gồ đập đất, thu hoạch lúa bằng liềm, hái. Nhiều gia đình không có trâu, bò cày bừa, không thuê, mượn hay đổi công được phải dùng cuốc, cào để làm đất gieo lúa. Ngoài sản xuất lúa, Nhân dân còn trồng khoai lang, khoai môn, sắn, dong riềng, ngô, vừng, lạc, đậu… trong đó chủ yếu là khoai lang, nhưng năng suất thấp, chỉ đạt từ 90-100 kg/sào.

Trước năm 1955, ruộng đất chủ yếu tập trung trong tay những gia đình địa chủ, phú nông, nhà chung, ruộng công điền, công thổ. Còn thành phần trung nông lớp dưới và bần nông ruộng rất ít, bình quân mỗi hộ chỉ có từ 1-1,5 sào. Thành phần cố nông rất nghèo khổ, không có ruộng sản xuất, đành phải đi ở làm thuê, nhiều gia đình bần nông, tài sản không có gì ngoài mấy sào ruộng, nên khi gia đình có việc hệ trọng, đành phải đưa ruộng đất ra cầm cố bán cho những gia đình giàu có, cầm cố phải trả lãi suất cao, đến khi không có trả, họ đành phải bán với giá rẻ mạt. Do ruộng đất sản xuất của nông dân rất ít, nhiều gia đình không có phải thuê ruộng, năng suất thấp, nên đa phần nông dân không đủ ăn. Nhiều gia đình phải vào rừng núi đốt than, chặt củi, lấy mây về bán, hoặc vào rừng đào củ mài về ăn. Đàn gia súc không phát triển, gia đình địa chủ, phú nông thường có từ hai đến 3 con trâu bò, còn nông dân không có trâu bò cày, làm đất sản xuất bằng cuốc, hoặc làm công đổi cho địa chủ, phú nông để lấy trâu bò cày, bừa. Khai thác đánh bắt thủy, hải sản bằng các phương tiện thô sơ, chủ yếu đánh bắt các loại hải sản gần bờ, năng suất thấp. Một số gia đình có điều kiện buôn bán nhỏ, làm bánh, làm bún, nấu rượu.

Cày ruộng rẹ của nhà giàu, khi thu hoạch, một nửa sản phẩm của chủ điền (người có ruộng cho thuê), nửa còn lại sau khi chủ ruộng trừ chi phí: cày bừa, thóc giống..., phần còn lại mới chia cho người nông dân. Thu hoạch xong, người nông dân gánh đến nộp cho chủ điền. Nhà giàu có ruộng cho nông dân thuê cày cấy, đến mùa thu hoạch họ thu một nửa hoa lợi của ruộng, gọi là tô chính. Cuối năm âm lịch người mượn ruộng còn phải đi tết và mừng tuổi cho chủ ruộng (gọi là tô phụ). Được mùa thì tô chính tăng lên, nhưng mất mùa không được giảm. Ngoài ra còn phải làm mấy ngày công gọi là "ba canh, ba cự" cho chủ điền, nếu ai không làm sẽ bị rút trâu, rút ruộng cho người khác thuê.

Khoản đóng nặng nề nhất, dã man nhất của người dân dưới xã hội thực dân phong kiến là khoản thuế thân (còn gọi là tiền sưu). Đây là khoản thuế đánh vào đầu người. Tất cả đàn ông từ 18 đến 60 tuổi phải đóng sưu, sưu có 4 hạng, số tiền đóng tương đương 50-150 kg thóc/người). Hàng năm chức sắc, hào lý trong làng còn tăng thuế từ 8 - 20% (gọi là phụ thu, lạm bổ), thực chất là thu để có tiền cho chúng tiêu xài. Với mức đóng này, quanh năm đi ở, hay làm thuê, đem toàn bộ thóc bán để nộp sưu thuế cho cha hay con trai trong gia đình cũng không đủ. Năm mất mùa cũng thu như năm được mùa, không có chế độ miễn, giảm sưu thuế. Nếu ai không có tiền nộp sẽ bị cùm, kẹp, đánh đập tàn nhẫn.

Để có tiền nộp sưu lúc giáp hạt, thiếu đói, những nông dân nghèo khổ phải vay mượn của những gia đình giàu có trong làng. Vay thóc hay vay tiền đều phải trả lãi rất cao, có gia đình không trả được nợ, đành phải gán nhà, gán đất để trả nợ. Tuy nhiên cũng có gia đình nhà giàu, có lòng thương người nghèo, cho vay lãi thấp, hoặc không tính lãi. Nhân dân ta dưới chế độ phong kiến, ngoài khoản sưu cao, thuế nặng, còn phải đi lao động công ích, như đắp đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, bắt đi lính.... Tất cả gánh nặng phu phen, tạp dịch gì đều đổ lên đầu người nông dân. Người dân chỉ biết tuân thủ, không được hưởng một quyền lợi gì, ai chống đối sẽ bị bắt lại còn bị chúng đánh đập tàn nhẫn, bắt đi tù. Rất nhiều người ra đi mãi không trở về, phần chết do ốm đau, bệnh tật nơi chốn rừng thiêng nước độc; có người chết do lao động quá vất vả, ăn uống khổ sở. Nạn sưu cao, thuế nặng, với nhiều chế độ hà khắc, bất công, tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy nhiều gia đình vào bước đường cùng, xóm làng xơ xác, nghèo nàn, nhiều người phải rời bỏ vợ con, quê hương đi kiếm sống nơi khác.

 Người đang truy cập: 15
 Tổng số truy cập: 2379205