TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA
1. Truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo tín ngưỡng
Người dân trong xã từ trước đến nay chủ yếu thờ cúng tổ tiên và Thành hoàng làng. Thành hoàng là những người có công khai phá ra vùng đất nơi dân làng sinh sống. Nhân dân các làng ven biển còn thờ thần Cá (cá voi, cá ông). Theo các ngư dân, lúc có bão tố, cá voi thường tới ẩn bên mạn thuyền, do đó thuyền có chỗ dựa an toàn, không bị sóng biển đánh chìm. Vì thế người dân đi biển coi cá voi là cá thần. Khi cá chết dạt vào bờ, người phát hiện ra đầu tiên phải chịu đại tang, còn dân làng thì phải tổ chức tống táng trọng thể, rồi lập miếu thờ.
Đạo Phật thâm nhập vào Kỳ Anh nói chung và xã Kỳ Khang khá muộn. Chùa chiền ở đây xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ XVII. Theo cuốn "Đại Nam nhất thống chí" (viết thời vua Tự Đức), chùa Bàn Độ ở sườn núi Bàn Độ thôn Phú Duyệt xã Kỳ Khang là một trong ba ngôi chùa xuất hiện ở Kỳ Anh lúc bấy giờ (cùng với chùa Phú Dẫn và chùa Lý Nhân). Ngoài ra còn có chùa Đông Hải (làng Trảo Nha xã Kỳ Khang) nhưng nhỏ, không có giá trị nhiều về mặt lịch sử cũng như kiến trúc. Trên núi còn có ngôi chùa cũ, các sách xưa chép là chùa Bàn Độ, còn Nhân dân gọi là chùa Ngâm. Phía đông nùi Bàn Độ (ở làng Trung Giáp xã Kỳ Khang) còn có ngôi đền Thánh Mẫu([5]). Ở mé nam còn có di tích ngôi chùa Đá. Câu ca "lắm hươu Bàn Độ" gợi lên cảnh đẹp rừng Bàn Độ giàu có xưa và câu ca "Chữ rằng nhân kiệt địa linh/Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh nhân tài" đã chứng minh vị trí của núi Bàn Độ trong đời sống tinh thần, văn hóa của Kỳ Anh nói chung và xã Kỳ Khang nói riêng. Xã Kỳ Khang trước đây có khá nhiều đền chùa. Năm 1966 thực hiện chủ trương hợp tự các đền chùa, miếu (đưa các vị thần về thờ một nơi), một số ngôi chùa bị phá bỏ, như chùa Am, miếu Cồn Bộng, miếu Cồn Denh... Hầu hết người dân các làng của xã chịu ảnh hưởng của Nho giáo, xem trọng lễ nghi vì nó là biểu hiện của một xã hội văn minh và có trật tự. Theo Nho giáo, trong xã hội có 5 mối quan hệ cơ bản là: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè.
Trước đây việc sản xuất nông nghiệp của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Đến vụ sản xuất, trời có mưa thì người dân mới có nước để cấy lúa. Vì thế tại các làng xóm, Nhân dân đóng góp xây dựng các đền, chùa, miếu, thờ các vị thần linh. Hàng năm vào các ngày lễ tiết, Nhân dân làm lễ cúng tế, mong các vị thần linh phù hộ "mưa thuận, gió hòa", để mọi người dân trong làng được sống yên ổn, làm ăn thuận lợi. Người dân còn cầu mong "quốc thái, dân an", đất nước không có giặc ngoại xâm để lực lượng thanh niên trai tráng không phải đi lính, người dân không phải nộp thuế tăng để tăng chi phí quốc phòng... Do chiến tranh tàn phá, chủ trương "hợp tự" và thời tiết khắc nghiệt, đình, đền, miếu bị hoang tàn, phế bỏ theo thời gian, nhưng nhà thờ họ vẫn luôn được con cháu trong dòng họ tu sửa, tồn tại. Những năm gần đây thực hiện chủ trương của Đảng bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử, văn hóa, một số đền, chùa, miếu được được phục hồi, tu bổ. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, mỗi làng đều làm một ngôi đình. Đình làng được làm bằng những cây gỗ quý, thường làm 5 gian, cao to, được chạm trổ công phu, vì thế khá tốn kém, Nhân dân phải đóng góp nhiều tiền của. Đình làng Trung Giáp năm 1940 được tôn tạo lại. Đình làng là nơi hội họp của dân trong làng. Hàng năm vào dịp lễ tế([6]), tất cả Nhân dân trong làng phải đóng góp để cúng tế đền, chùa, làm cho người nông dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, trên địa bàn xã có các Lễ hội dân gian: Lễ tế thần Thành hoàng vào tháng Giêng và tháng 6 âm lịch, hoặc vào ngày kỵ các vị thần. Ngoài các nghi thức tế lễ, nhiều làng còn tổ chức rước sắc thần và các trò vui, các cuộc thi… Nhân dân xã Kỳ Khang còn có lễ tế thần cá, lễ "Thay khoán" (các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Ninh…). Lễ "Thay khoán" trước đây 12 năm tổ chức một lần. Người ta làm một "tráp vàng" (đồ hàng mã), cầu thần Độc Cước lên yểm trấn, rồi dán tờ khoán (ước) lên cổng hay cây đầu làng, có ý nói đất này đã "khoán" rồi, không ai được tranh chấp nữa. Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn ở Kỳ Khang còn tổ chức các hoạt động văn hóa như: đua thuyền (chèo bơi), kéo co, đánh đu, đánh cờ tướng…
Ngày xưa Nhân dân trong tổng Đậu Chữ còn tổ chức lễ tế sở đền làng Long Trì (xã Kỳ Phú), đền này thờ Ngư thần, sau lễ tế có cuộc thi nấu cơm. Trước ngày hội, mỗi xóm cử hai người con trai giỏi giang, nhanh nhẹn, có tài ví hát đến dự thi; họ hóa trang thành đôi vợ chồng. Mỗi đôi như thế được phát một đấu thóc và các dụng cụ: niêu bù, ống tre khô, bòng bong để lấy lửa, cối chày giã thóc... Bắt đầu thi trống chiêng nổi lên, hai vợ chồng phân công nhiệm vụ, giã thóc, lấy nước; sau đó chồng quảy niêu đi trước, vợ đi sau cầm bó đuốc, vừa làm vừa hát ví cho tới khi cơm chín. Những niêu cơm đó được dâng lên đặt ở ba dòng để làm lễ tế thần, sau đó đem ra chấm thi. Xóm nào có "đôi vợ chồng" nấu cơm chín sớm nhất và ngon nhất thì được thưởng. Lễ hạ điền thường tổ chức vào ngày đông chí. Làng chọn một lão nông có vợ chồng "song tuyền", con cháu đông đúc xuống cấy, sau đó dân làng mới được cấy, ai cấy trước sẽ bị làng phạt 5 quan tiền. Lễ tang, lễ cưới không có gì khác các nơi khác. Lễ cưới trước đây còn có tục "đón đường", khi đám rước dâu đi qua, họ nhà gái phải mời trầu và tặng một ít tiền, mới tiếp tục đi, đám nào có người đón đường là tốt đẹp. Những lệ làng này từ sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 không còn tồn tại.
Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian, từ lâu đã trở thành tục lệ sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết nguyên đán ở các làng của xã. Phường sắc bùa thường có 5 người trung niên hoặc thanh niên, mặc quần trắng, áo dài đen, đầu vấn khăn hoặc để trần, thắt dải lưng điều, họ biết hát các bài chúc, biết múa và biết sử dụng một số nhạc cụ([7]). Hát ví cô Nhẫn (Đan Du), Hò đối đáp, hát dân ca Nghệ Tĩnh…
Đạo Thiên chúa xuất hiện đầu tiên ở Dụ Lộc (nay là Kỳ Trinh) vào thế kỷ XVIII. Giáo xứ Dụ Thành xã Kỳ Khang được chính thức thành lập năm 1921 do cụ Chế linh mục người Việt phụ trách, nhưng khoảng năm 1845 những hạt giống đức tin đầu tiên đã được gieo trên mảnh đất này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giáo xứ đã lớn lên trong thử thách gian truân, kể cả các trận mưa bom tàn phá làng mạc, thánh đường trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngày 31/8/2014 Đức cha phụ tá Phêrô đã về chủ sự nghi thức, cắt băng khánh thành và làm phép ngôi thánh đường giáo xứ sau gần 5 tháng thi công trùng tu, bà con giáo dân Dụ Thành từ đây có một ngôi thánh đường làm nơi thờ phụng và sinh hoạt tâm linh. Ngôi thánh đường được sửa sang, cơi nới thêm 300 m2, tạm thời đáp ứng nhu cầu của xứ đạo. Ngôi thánh đường được hoàn thành là kết quả đóng góp sức người, sức của của đồng bào giáo dân và ân nhân xa gần, đây còn là công trình của sự đoàn kết đồng bào lương - giáo, vì rất nhiều bà con lương dân trong vùng đã có những đóng góp đáng kể cho công trình([8]).
Giáo họ Vĩnh Sơn nằm trên địa bàn xã Kỳ Khang được định hình từ năm 1893, nhưng chính thức thành lập năm 1932, thuộc giáo xứ Dụ Thành. Lúc đó, chỉ có 14 hộ gia đình sống ở phía bắc Rộc Chùa (nay là đồng ruộng, sát đường Quốc lộ 1A). Năm 1900, ngôi nhà nguyện đầu tiên mái tranh vách đất được xây dựng. Nhưng do nằm vùng đất trũng thấp, không ở vị trí trung tâm, nên đến năm 1925, nhà nguyện được di dời lên phía nam Rộc Chùa (nay là thôn Quảng Ích), lúc này nhà nguyện được sửa lại bằng gỗ, tường xây và mái tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà nguyện bị hư hại nặng nề và không thể sử dụng được nữa. Ngày 16/12/2015, Đức cha Phaolô, chủ chăn giáo phận đã về dâng thánh lễ, làm phép khởi công xây dựng nhà thờ cho giáo họ Vĩnh Sơn. Nhà thờ mới có chiều dài 44,5 m và chiều rộng 18 m. Hiện nay, giáo họ Vĩnh Sơn có 128 hộ, gồm 548 khẩu.
Từ năm 1975 về trước, nước dùng sinh hoạt chủ yếu là giếng đào, chỉ có những gia đình giàu có mới có giếng xây bằng đá. Mỗi làng xây một giếng nước bằng đá ở ngoài đồng, gia đình nào không có giếng ra giếng làng gánh về dùng. Vào dịp hạn hán kéo dài, nhiều vùng không đủ nước để dùng. Mùa mưa lũ nước tràn qua các giếng, nguồn nước rất bẩn. Do sử dụng giếng nước chung, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân chưa tốt, vì thế nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Sau năm 1975, nhiều gia đình đào giếng, xây bằng đá hoặc đúc ống bằng bê tông, hầu như mỗi gia đình đều có một giếng đào. Từ năm 2000 trở đi nhiều gia đình đã dùng hệ thống giếng khoan, sử dụng bơm tay, sau đó được thay thế bằng bơm điện, nguồn nước đảm bảo vệ sinh hơn.
Trước đây tổng Đậu Chữ có chợ Thượng ở thôn Phú Thượng xã Kỳ Phú([9]). Hàng hóa chính là nông sản, hải sản và một ít lâm sản, người mua bán chủ yếu là Nhân dân trong tổng, chợ được họp theo phiên, 2-3 ngày họp một lần, chợ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân quanh vùng. Một số hộ trong xã làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, với các mặt hàng như: chè, trầu cau, các loại lâm sản… Tại địa bàn xã, năm 1945 về trước có chợ Vĩnh Ái (nay thôn Vĩnh Phú), gần bờ sông để buôn bán, vận chuyển tiện lợi. Tại thôn Trung Giáp còn có chợ Điếm (ra đời từ trước năm 1945), hiện nay chợ vẫn được duy trì, họp mỗi ngày một phiên vào buổi sáng, chợ là nơi mua bán chủ yếu là các hàng hải sản của người dân trong xã, Nhân dân các xã chủ yếu đi chợ Tổng. Từ năm 1975 chợ xã Kỳ Khang được thành lập.
Nhà ở của người dân trước đây chủ yếu được làm bằng gỗ, nhà không có điều kiện thì làm bằng tre, mái lợp bằng lá tro, cỏ tranh (còn gọi là tranh săng) hay bằng rạ (còn gọi là toóc); vách tường được trát bằng đất (dùng rơm khô trộn với bùn đất sét, rồi trát lên mầm, làm bằng tre). Cột nhà thường làm thấp để hạn chế gió bão làm đổ sập nhà (cột cao từ 2,4-2,7 m, rộng khoảng 3,5-3,8 m), những gia đình giàu có thì cột nhà làm bằng các loại gỗ quý, như gỗ lim, gỗ mít, xung quanh xây tường, lợp ngói. Quan niệm này sau năm 1975 không còn phù hợp. Nhiều gia đình đã làm nhà cột cao, rộng cho thoáng mát và tiện lợi trong sinh hoạt. Nhà thường hướng về Đông Nam để đón gió mát, đón ánh mặt trời buổi sáng, đồng thời tránh gió mùa Đông Bắc thổi vào mùa đông. Từ năm 1985, một số gia đình đã lợp ngói đỏ, từ năm 1995 đến nay nhiều gia đình đã thay nhà gỗ bằng nhà xây lợp ngói, đổ bằng kiên cố.
Năm 1960 về trước, các vật dụng trong nhà của đa số gia đình hầu như không có gì, nhà nào có điều kiện thì sắm được chiếc sập (bằng gỗ hoặc đổ xi măng) để chính giữa nhà, dùng để đựng lúa, phía trên mặt thường đặt bàn thờ, thờ cúng tổ tiên. Đa số Nhân dân dùng bồ (đan bằng nứa) để đựng lúa, nằm ngủ bằng giường tre, không có chăn, màn. Để chống đỡ cái rét của mùa đông, người dân dùng rơm hay lấy các loại lá khô về quấn thành tổ.
Vải may áo quần rất khan hiếm, nên rất đắt, chỉ những gia đình thuộc vào hạng giàu có của làng mới có tiền mua vải thuê thợ ở huyện may, còn đại đa số người dân tự mua vải mộc về tự may bằng tay đơn giản([10]). Con trai mặc quần lợ, áo nâu, may kiểu bà ba; con gái mặc yếm, váy may bằng vải thô, nhuộm nâu và đen. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ngoài may tay, một số người lên huyện thuê may bằng máy khâu, có thêm các loại vải như diềm bầu, thấm đất. Từ năm 1960 xã có vài thợ may phục vụ Nhân dân.
Trước đây việc đi lại của người dân chủ yếu đi bộ, vận chuyển mọi thứ bằng sức người, một số ít người buôn bán vận chuyển bằng thuyền trên sông. Từ năm 1986 về sau, các phương tiện vận chuyển như xe bò kéo, trâu kéo rồi đến xe công nông, xe vận tải đã thay thế dần sức lao động của người dân. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, không chỉ phương tiện vận chuyển máy móc thay thế cho sức người, mà nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp, như: cày bừa, gặt… được thay thế bằng máy. Từ năm 2005 đã xuất hiện một số máy gặt được cải tiến từ máy cắt cỏ, đến năm 2013 trên các cánh đồng của xã đã sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa (gặt, tuốt và đóng thóc vào bao tại ruộng), sức lao động của con người từng bước được giải phóng.
Trước tháng 8 năm 1945, ngành y tế trên địa bàn xã và huyện hầu như chưa có gì, cả tỉnh chỉ có một bệnh viện, nhưng quy mô và số giường bệnh cũng chỉ hơn một trạm y tế xã hiện nay, mỗi huyện có một trạm bán thuốc, nhưng thuốc men rất khan hiếm và rất đắt, chỉ có nhà giàu mới đủ tiền mua. Nhân dân đau ốm hầu như không có thuốc để chữa bệnh, gia đình nào có điều kiện cũng chỉ có tiền để cắt vài thang thuốc bắc. Vì thế mỗi khi có bệnh truyền nhiễm như dịch tả, bệnh sưởi, đậu mùa trẻ em, ho gà, do không có thuốc men điều trị và phòng dịch, rất dễ lây lan và làm nhiều người chết. Do ăn uống hết sức kham khổ, thiếu thốn, lại mất vệ sinh nên tỷ lệ trẻ em tử vong trước năm 1954 rất cao, có gia đình sinh 10-12 người con nhưng chỉ nuôi được 4-5 người. Phụ nữ không được chăm sóc sức khỏe sinh sản nên bị bệnh hậu sản, suy nhược khá phổ biến. Rất nhiều người bị chết sau khi sinh đẻ.
Xã hội phong kiến duy trì một số tập tục lạc hậu mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, như: một số gia đình khi trong nhà có người bị ốm, mời thầy cúng về làm lễ cúng tế để nhờ thần thánh phù hộ cho khỏi bệnh tật. Việc tổ chức đám tang khá phiền phức khi cha mẹ chết con cái phải sắm sửa cỗ bàn linh đình để mời làng, họ hàng ăn uống trước và sau khi đưa đám. Nam nữ thanh niên không được tự do yêu đương, lấy nhau, muốn lấy ai, hay gả cho ai là do cha mẹ quyết định; hai gia đình có "môn đăng hộ đối" thì mới làm thông gia với nhau. Con trai của những gia đình nghèo không thể lấy con gái của gia đình nhà giàu, hay có chức sắc trong làng, xã. Xã hội phong kiến trọng nam kinh nữ, bất bình đẳng quyền công dân. Người phụ nữ chỉ biết nội trợ trong gia đình, không được tham gia các công việc xã hội, "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"([11]). Đàn ông muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được, nhưng phụ nữ thì "bất sự nhị phu", nghĩa là bất cứ lý do gì người phụ nữ không được lấy hai chồng, không được quyền ly hôn như hiện nay. Sau tháng 8 năm 1945, những tập tục lạc hậu và các quy định trên bị bãi bỏ, người phụ nữ bình đẳng như nam giới, được tham gia giữ các chức vụ trong xã hội.
Sống trong điều kiện thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đầy nắng gió, bão tố và chiến tranh triền miên. Để vươn lên tồn tại và phát triển, cư dân nơi đây qua các thời kỳ lịch sử đã chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống và tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần phong phú. Đấu tranh bãi bỏ những phong tục tập quán lạc hậu của chế độ phong kiến để lại. Người dân Kỳ Khang cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, bền bỉ chóng chọi với thiên tai, rắn rỏi, bám biển kiên cường, anh dũng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Nối tiếp truyền thống cha ông, cho đến nay những người con Kỳ Khang luôn kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành quả đạt được trong lao động sản xuất để đưa quê hương ngày càng phát triển
2. Truyền thống hiếu học, khoa bảng
Người Hà Tĩnh nói chung, người Kỳ Anh nói riêng có truyền thống hiếu học. Từ đời Trần đến đời Nguyễn Hà Tĩnh có 180 vị độ Đại khoa, riêng Kỳ Anh có 9 vị đỗ Tiến sỹ và một Bảng nhân[12]. Từ năm 1807 đến 1918 Nhà Nguyễn mở ở Trường thi Nghệ an 41 khóa thi Hương[13], ngoài ra còn mở một số khóa ở Bình Định và Huế. Trong số 860 người đỗ cư nhân, Hà Tĩnh có 292 người, Kỳ Anh có 19 người (Kỳ Văn 6 người, Kỳ Phú 3 người, Kỳ Tiến 3 người, Kỳ Khang 3 người, Kỳ Bắc 1 người, Kỳ Giang 1 người). Do vậy, Kỳ Anh ngày xưa đã nổi tiếng là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” là quê gốc của các Danh nhân như: Đinh nguyên bảng nhân Lê Quảng Chí và Tiến Sỹ Lê Quảng Ý đời Nhà Lê; Hoàng giáp Lê Tuấn (kinh lược sứ Bắc kỳ).
Cụ Nguyễn Văn Vỹ người xã Án Đỗ (nay là xã Kỳ Khang) đỗ cử nhân năm 1843, làm Án sát Hà Nội; cụ Nguyễn Mai Trinh cử nhân năm 1900, được bổ làm Kinh lịch; cụ Nguyễn Trinh Đồng là người học hành giỏi, kiến thức rộng, thơ văn ông khá nhiều; cụ Nguyễn Trinh Túc, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từng đậu tú tài, được sắc phong Hàn lâm, nên thường gọi là ông Hàn Ba.
Những năm 1920-1929 Kỳ Anh bắt đầu có trường công dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1925 cả huyện Kỳ Anh có 2 trường sơ cấp (mỗi trường 2 đến 3 lớp) và 8 trường làng (học chữ quốc ngữ). Năm học 1941-1942 huyện Kỳ Anh có một trường tiểu học công ở huyện lỵ (có 2 giáo viên và 69 học sinh); một trường sơ học công (2 giáo viên và 72 học sinh), 7 trường sơ học liên hương (256 học sinh), một trường sơ học tư, 9 lớp học gia đình. Bình quân 5 xã mới có một trường sơ học, mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhừng một số thanh niên Kỳ Khang vẫn theo học ở các trường của huyện.
Hơn 80 năm đô hộ nước ta, cả tổng Đậu Chữ chỉ có trường Đậu Vinh (dạy từ lớp 1 đến lớp 4) do một thầy giáo người Đức Thọ kiêm nhiệm. Sau này có cụ đồ Hà Thúc Dành nối nghiệp. Ngoài ra trong xã có 4 lớp dạy chữ Nho do dân tự mở. Ở Đồng Trụ cũng có một lớp do thầy họ Trần phụ trách. Cuối thế kỷ XIX chữ Quốc ngữ bắt đầu thâm nhập vào địa bàn xã nhưng từ đó đến trước cách mạng tháng 8/1945 một số lớp dạy chữ Hán ở nông thôn do các ông đồ mở vẫn song song tồn tại bên hệ thống giáo dục Pháp - Việt. Trường học được mở rất ít, học phí và các khoản chi phí cho học tập rất cao, nên chỉ có con của những gia đình giàu có trong làng mới có điều kiện cho con em đi học. Vì thế trước cách mạng tháng 8 năm 1945 khoảng 97% người dân trong xã mù chữ, người biết chữ cũng chỉ ở trình độ yếu lược.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chính phủ nước ta cho thành lập trường học liên xã để dạy chữ cho con em (lúc này 3-5 xã mới có một trường Tiểu học). Bắt đầu từ năm học 1945-1946, tất cả con em được đến trường Tiểu học để học. Đến năm 1947 xã có Trường Tiểu học, gọi là trường nhưng chỉ có một lớp 1, học tại đình làng, về sau số lớp và số học sinh tăng dần. Giai đoạn này phong trào bình dân học vụ để giệt “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ là một cuộc cách mạng sâu rộng trong quần chúng Nhân dân xã Kỳ Khang. Với truyền thống hiếu học, sau cách mạng tháng 8 đến nay xã Kỳ Khang có hàng trăm người có trình độ Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Quân sự, Công an. Nhiều người giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở.
3. Truyền thống yêu nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Năm Giáp Tuất 1874 ở huyện Kỳ Anh nổi lên phong trào chống Pháp của Cù Biểu. Quân khởi nghĩa đã đánh chiếm thành huyện và giữ được ba tháng, một số thanh niên trai tráng của làng đã tham gia đội quân của Cù Biểu đánh thực dân Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi([14]), Phan Đình Phùng đã tập hợp nghĩa quân chống thực dân Pháp, lấy vùng núi non hiểm trở của huyện Hương Khê (nay là huyện Vũ Quang) làm địa bàn hoạt động (từ 1885 cho đến 1895), kêu gọi lực lượng nam thanh niên (trước đây gọi là đinh tráng) trong toàn tỉnh tham gia lực lượng của nghĩa quân. Với tinh thần yêu nước, một số người dân xã Kỳ Khang đã gia nhập các đội quân tại khu vực, tham gia luyện tập và đánh giặc.
Tuy nghèo khổ nhưng mảnh đất Kỳ Khang từ trước đến nay đã sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Mai Lão Bạng (1866 -1942) sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa ở giáo xứ Dụ Thành, thuộc làng Quảng Ích, tổng Đậu Chữ (nay là thôn Hoàng Dụ). Ông có tên thánh là Gioan Baotixita Mai Văn Châu, trong hoạt động cách mạng thường được gọi với tên Mai Lão Bạng. Trong phong trào Duy Tân - Đông du đầu thế kỷ XX, ông là một đại biểu ưu tú của đồng bào công giáo yêu nước.Lúc nhỏ ông học chữ Hán tại gia đình, rồi được gửi ra học tại Chủng viện Xã Đoài, tốt nghiệp làm thầy giảng (thường gọi là thầy Già Châu). Già Châu và Già Khánh đã giúp các linh mục xây dựng một mạng lưới những người yêu nước trong đồng bào giáo, đến cuối năm 1904, đầu năm 1905 hình thành một tổ chức cách mạng, lấy tên là Duy tân giáo đồ hội, hoạt động theo tôn chỉ của Hội Duy tân do Phan Bội Châu lãnh đạo. Năm 1908, Duy tân giáo hội cử ông xuất dương "giúp đỡ hội chủ tham gia việc ngoài". Phan Bội Châu đã từng viết “Năm Mậu Thân tháng hai (3-1908) tôi soạn sử đi Xiêm La (Thái Lan – TKĐ chú), trở về Hương Cảng, gặp cụ Mai Lão Bạng từ trong nước ra. Cùng đi lần đó có học sinh thanh niên và mươi người, cụ Mai là đại biểu cho người trong Thiên Chúa giáo đồ. Giáo hội ủy thác cụ ra để giới thiệu những người giáo đồ nhập Hội Duy tân. Trước khi học sinh xuất dương chưa có ai là người trong giáo hội. Từ cụ Mai xuất dương, giáo hội cũng phái người xuất dương. Cụ Mai thi đậu nhưng vì gánh việc Duy tân hội, nên qua Nhật Bản. Tôi vì cớ tôn trọng giáo hội, mới nhóm toàn viện học sinh hoan nghênh cụ. Cụ rất nhiệt tâm về việc cố động giáo đồ. Cụ có làm bản sách “Lão Bạng phổ khuyến thư” có ảnh hưởng tới phía giáo đồ nhiều lắm…”
Ông từng đi Xiêm (Thái Lan), Quảng Đông (Trung Quốc). Ông bị Toàn quyền Đông Dương ra lệnh bắt giam (bị bắt tại Quảng Đông cùng với Phan Bội Châu) ngày 24/12/1913, tháng 3/1917 mới được thả. Tháng 4/1917 bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải và giải về nước giam ở Vinh hơn 10 năm nữa mới được tha. Ông là một gương mặt Giáo dân tiêu biểu của đồng bào Công giáo Việt Nam trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, là người bạn chiến đấu thân thiết của Phan Bội Châu. Ghi nhớ công lao của ông, nhiều thành phố trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh đã lấy tên Mai Lão Bạng đặt tên cho đường phố như một cách ghi ơn công trạng và giáo dục các thế hệ sau về tinh thần yêu nước. Năm 1942 Mai Lão Bạng qua đời tại Vinh, năm 2009 họ giáo Dụ Thành và con cháu đã cát táng về tại nghĩa trang quê (tại thôn Quảng Ích xã Kỳ Khang). Ngày 20/6/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1761/QĐ-UBND công nhận Khu mộ Mai Lão Bạng thuộc xã Kỳ Khang là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, ngày 26/10/2012, UBND xã Kỳ Khang đã tổ chức lễ đón nhận.
Tiếp đến là phong trào chống thuế vào mùa hè 1908 hàng ngàn nông dân nghèo ở các tổng trong đó có Kỳ Khang rầm rộ kéo lên huyện yêu cầu tri huyện giảm tiển sư, tiền thuế cho dân cày, năm 1920 nông dân các làng ở xã Kỳ Khang đã tham gia phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, sưu thuế, tô tức nặng nề. Tuy nhiên do các cuộc đấu tranh được nổ ra một cách tự phát chưa có tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, nên chưa đạt kết quả như mong muốn.
Năm 1925 thực dân pháp kết án tử hình Phan Bội Châu – một nhân sỹ yêu nước của dân tộc ta, người dân Kỳ Anh, trong đó có Kỳ Khang sôi nổi tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu. Cùng năm nay Hội phục Việt ở huyện được hình thành (1928 đối thành Tân Việt cách mạng Đảng – gọi tắt là Tân Việt). Từ năm 1927 Đảng Tân Việt hoạt động và phát triển lực lượng nồng cốt là thanh niên và một số tầng lớp yêu nước tiến bộ. Giữa năm 1929 cơ quan tổng bộ của Đảng Tân Việt bị khủng bố, nhiều cán bộ nồng cốt bị địch bắt, Đảng Tân Việt lâm vào tình trạng thoái trào, lúc này tổ chức Đông Dương Cộng sản đảng vừa được thành lập.
Ở vị trí chiến lược quan trọng của huyện Kỳ Anh, là một xã có biển, có rừng, có đồng bằng, có đường quốc lộ 1A đi qua. Nhân dân Kỳ Khang cùng với Nhân dân huyện Kỳ Anh trở thành một lực lượng đứng mũi, chịu sào anh dũng quật cường trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và đã trở thành truyền thống quý báu. Truyền thống bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm là động lực mạnh mẽ, thôi thúc Nhân dân Kỳ Khang sớm đi theo Đảng, hướng về cách mạng.
[2] Tổng Đậu Chữ có 57 xã, trang, thôn, trại, phường, tích.
[3] Là một vị quan thanh liêm dưới xã hội phong kiến, có nhiều đóng góp cho Nhân dân.
[4] Trước đây Nhân dân trong các làng còn ví von: "Cơm gạo lốc, trốc (đầu) cá rô", ý nói là cơm gạo lốc cứng như đầu cá rô, đều là những thứ không ngon.
[5] Chưa rõ Thánh Mẫu ở đây là bà Bích Châu hay Thánh mẫu Càn vương, tức bà Thái Hậu Như Tông
[6] Lễ Kỳ Phúc (tháng 6), Khai Hạ (mồng 7 tháng giêng), tế tết Nguyên Đán, tế đinh (tháng 2), tế Khổng Tử, tế Bụt sinh (mồng 8 tháng 4) tế Phật ở chùa, tế rằm tháng giêng, rằm tháng bảy ở chùa, tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5)...
[7] Có một số đoạn hát sắc bùa như: "Nay vừa gặp tiết xuân thiên/Trai dâng đôi chữ bình yên mừng người
Trừ tịch là đêm ba mươi/Tết nhất chơi bời mở tiệc vinh hoa … "
[8] Sau cơn bão số 10 năm 2017, nhà thờ giáo xứ xuống cấp trầm trọng, tường bị nứt nẻ có nguy cơ sụp đổ. Vì thế ngày 6/9/2018 giáo xứ xây dựng ngôi thánh đường mới.
[9] Toàn tổng chỉ có chợ này, nên Nhân dân thường gọi là chợ Tổng, là một trong 4 chợ lớn của huyện Kỳ Anh lúc đó)
[10] Một loại vải được làm bằng thủ công ở các làng nghề nơi khác, sợi rất thô và các sợi dệt thưa, thường có màu trắng, để sử dụng; sau khi mua vải, người dân vào rừng lấy củ nâu, về gọt vỏ, giã lấy nước để ngâm vải vào nhuộm cho thành màu nâu.
[11] Tại gia đình tuân theo bố, khi lấy chồng tuân theo chồng, khi chồng chết phải ở với con trai thờ chồng, không được tái giá như ngày nay.
[12] Theo từ điển Hà Tĩnh do Bùi Thiết chủ biên.
[13] Theo lịch sử giáo dục Hà Tĩnh.
[14] Tuyên bố ngày 13 tháng 7 năm 1885 (tức ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Dậu) tại căn cứ Tân Sở thuộc Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.